Ngày 08 tháng 08 năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng tại doanh nghiệp. Theo đó, nội dung thông tư có một số điểm mới như sau:
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng làm cơ sở xác định khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định. Việc trích lập các khoản dự phòng cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính được thực hiện theo pháp luật về kế toán
Nguyên tắc chung
Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm thay thế cho quy định cũ là thời điểm cuối kỳ kế toán năm hoặc ngày cuối cùng của năm tài chính.
Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài. Số dư dự phòng các khoản đầu tư ra nước ngoài mà doanh nghiệp đã trích lập đến trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành được hoàn nhập và ghi giảm chi phí tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2019.
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Quy định cụ thể hơn các đối tượng được trích lập dự phòng gồm hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế thay vì chỉ quy định chung về hàng tồn kho như hướng dẫn trước đây.
Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư
Thay đổi công thức tính tổn thất từ các khoản đầu tư ;
Không được trích lập dự phòng trong trường hợp tổ chức kinh tế nhận vốn góp không lập báo cáo tài chính cùng thời điểm với doanh nghiệp trừ trường hợp tổ chức kinh tế nhận vốn góp đã ngừng hoạt động và đang chờ xử lý hoặc được phép lập báo cáo tài chính khác với thời điểm lập báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp góp vốn thì căn cứ vào báo cáo tài chính quý gần nhất của tổ chức kinh tế nhận vốn góp.
Dự phòng nợ phải thu khó đòi
Bổ sung thêm quy định đối với các khoản nợ mua của doanh nghiệp mua bán nợ ;
Hướng dẫn rõ về hồ sơ trích lập dự phòng trong trường hợp doanh nghiệp không có đối chiếu công nợ. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần có văn bản đề nghị đối chiếu, xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);
Bổ sung thêm mức trích lập riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa, khoản nợ phải thu cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau và khoản nợ phải thu do bán lẻ hàng hóa theo hình thức trả chậm/trả góp của các đối tượng nợ là cá nhân đã quá hạn thanh toán.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2019 và áp dụng từ năm tài chính 2019.
Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng và các văn bản khác quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trái với quy định của Thông tư này.