Ngày 30/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam với nhiều điểm mới, cụ thể như sau:
- Quy định mới về Chuyên gia là người lao động nước ngoài
Chuyên gia là người lao động nước ngoài phải thuộc các trường hợp sau:
- Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
- Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Như vậy, văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài không còn được áp dụng.
- Bổ sung các trường hợp doanh nghiệp không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài khi sử dụng lao động nước ngoài ở các vị trí dưới đây:
- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
- Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại
- Bổ sung các trường hợp không phải làm thủ tục “Xác nhận Người lao động không thuộc diện cấp Giấy phép lao động”
- Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam;
- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam quy định tại điểm l khoản 1 Điều 2 Nghị định này:
Đối với trường hợp không phải làm thủ tục xác nhận Người lao động không thuộc diện cấp Giấy phép lao động nhưng phải báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc thông tin: họ và tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, tên người sử dụng lao động nước ngoài, ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc trước ít nhất 3 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
- Bổ sung quy định Báo cáo sử dụng lao động nước ngoài
Trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, người sử dụng lao động nước ngoài báo cáo 6 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo Mẫu số 07/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo
Ngoài ra, Nghị định còn có những quy định thay đổi về Giấy tờ, trình tự thủ tục thực hiện thủ tục “Xác nhận Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy phép lao động”, thủ tục cấp, gia hạn “Giấy phép lao động”.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2021 và thay thế cho Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ.