Chính sách thuế đối với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp

13/09/2024 Tin tức Editor

Ngày 30/08/2024, Tổng Cục thuế ban hành công văn số 3872/TCT-CS, theo đó:

Trường hợp hai công ty thực hiện thủ tục sáp nhập doanh nghiệp, nếu hoạt động sáp nhập được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì:

– Về thuế giá trị gia tăng (GTGT): Khi thực hiện điều chuyển tài sản để sáp nhập vào doanh nghiệp khác theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT và không phải xuất hóa đơn GTGT.

– Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):

Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản (nếu có) theo quy định của pháp luật khi điều chuyển tài sản sáp nhập thực hiện theo quy định tại điểm m khoản 2 Điều 3 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014) và khoản 14 Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014). Phần chênh lệch tăng giữa số tiền mà chủ sở hữu bỏ ra để mua lại 100% vốn của Công ty so với giá trị tài sản của Công ty sau khi đánh giá lại tính một lần vào thu nhập khác trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Công ty được trích khấu hao hoặc phân bổ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hàng năm đối với tài sản theo giá đánh giá lại (trừ trường hợp giá trị quyền sử dụng đất không được trích khấu hao hoặc phân bổ vào chi phí theo quy định).

– Việc đánh giá lại tài sản: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.